Cắt Tỉa Để Trổ Sinh Hoa Trái (Ga 15,1-8)

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on linkedin
Phải cắt tỉa ý riêng để chuyên tâm tìm ý Chúa. Phải cắt tỉa những hình thức bề ngoài không cần thiết để chìm vào nội tâm sâu lắng. Phải cắt tỉa những khao khát quyền lực để mặc lấy tâm tình đơn sơ khiêm tốn.

Anh chị em thân mến! Giáo hội Công Giáo, Tin Lành và Anh Giáo đều tin vào Thiên Chúa. Một lần nọ có 3 tín hữu Công Giáo, Tin Lành và Anh Giáo vào nhà thờ cầu nguyện. Người Tin Lành liếc sang bên người Anh giáo và thầm nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin hãy xoá bỏ cái giáo hội cho phép phụ nữ làm Giám mục này đi.” Ở góc bên kia của nhà thờ, người Anh Giáo cũng lén liếc nhìn người Tin Lành và cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin Chúa hãy xoá bỏ cái giáo hội cứng lòng không chịu tin Đức Mẹ Maria trọn đời đồng trinh này đi.” Đứng giữa nhà thờ, người Công giáo liếc nhìn cả 2 người kia, miệng tủm tỉm cười, rồi thành tâm chắp tay, hướng về trời cao mà nguyện rằng: “Lạy Chúa, con chẳng dám xin gì cho bản thân, chỉ tha thiết xin Chúa nhận lời cầu xin của 2 anh kia giùm con.” Đây chỉ là một câu chuyện hư cấu châm biếm sự chia rẽ nơi những Giáo Hội Ki tô mà thôi. Thế nhưng, cách nào đó nó cũng phản ánh cái não trạng: Phân biệt, loại trừ, chia rẽ nơi không ít người có đạo.

Thưa anh chị em! Trước Công Đồng Vatican II, nói đến tổ chức cơ cấu của Hội thánh, người ta thường nghĩ đến hình ảnh một kim tự tháp: ở chóp đỉnh là Đức Giáo Hoàng, dưới là các Hồng Y, Giám mục, Linh mục, phó tế, tu sĩ, và cái đáy dưới cùng là giáo dân. Hình ảnh này đưa đến một quan niệm không đúng về nhiệm vụ của mỗi thành phần, nhất là giáo dân, bị coi là thấp kém, chỉ biết ngoan ngoãn vâng lời bề trên. Nhưng từ Công đồng Vatican II, hình ảnh trên đã được thay thế bằng hình ảnh những vòng tròn đồng tâm và có một tâm điểm là Đức Giêsu, từ tâm điểm này có nhiều vòng tròn đồng tâm: một vòng là các giáo sĩ, gồm các giám mục có Đức Giáo Hoàng đứng đầu, và các cộng sự viên là linh mục và phó tế; vòng khác là các tu sĩ; và vòng rộng lớn hơn là giáo dân. Hình ảnh này cho thấy mọi thành phần đều liên đới với nhau và tất cả đều qui hướng về trọng tâm là Đức Giêsu.

Mọi thành phần đều liên đới với nhau và tất cả đều qui hướng về trọng tâm là Đức Giêsu mà Công Đồng Vatican II phác hoạ lên chính là ý nghĩa của bài Tin Mừng ngày hôm nay. Chúa Giêsu dùng 3 hình ảnh: Người trồng nho, cây nho và những cành nho để nói về sự liên kết, liên đới và hiệp nhất giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau.

Ai trồng cây cũng đều mong được ăn trái. Muốn cây có trái, cũng phải bỏ lắm công phu, tốn nhiều công sức. Không phải cứ xanh lá to thân thì mới có quả. Có những cây quanh năm xum xuê cành lá nhưng đến mùa thì lại chẳng có trái nào. Xanh tốt như thế không phải là thành công mà là thất bại, không phải là bội thu và là thất thu. Đối với người Do Thái thì cây nho là một hình ảnh thật quen thuộc và gần gũi, giống như hình ảnh cành tre khóm trúc đối với người Việt Nam hay như hình ảnh cây cà phê đối với người Đăk Lăk chúng ta vậy. Đức Giêsu quan sát cây nho và thấy rằng một cây nho muốn có nhiều hoa trái thì cần phải có 2 điều: Cành phải gắn liền, phải liên kết với thân và cành lá phải được cắt tỉa. Cành không gắn liền với thân thì không còn tiếp nhận được nguồn nhựa sống của thân cây truyền sang. Muốn cây có quả, phải tỉa bớt cành lá. Việc cắt tỉa làm cho dòng nhựa không bị phân tán, nhưng tập trung vào những cành chính, dồn vào cho hoa sung sức, cho trái đầy đặn.

Đức Giêsu muốn dùng hình ảnh cây nho để nói về đời sống đạo của ta. Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người để con người phát triển, sinh hoa kết quả chứ không phải để con người bị tài lụi. Như cành nho phải liên kết với thân nho mới sinh hoa kết quả, chúng ta phải liên kết mật thiết với Đức Giêsu. Người là nguồn cội sự sống của chúng ta. Tách lìa Người, chúng ta không có sức sống, càng không thể phát triển được. Chúng ta đến nhà thờ để đọc kinh, cầu nguyện và dự Lễ không phải là vì trách nhiệm, vì bổn phận, vì luật buộc nhưng là vì lòng yêu mến Chúa là vì khao khát muốn được dòng nhựa sống thiêng liêng từ Lời Chúa, từ Thánh thể Chúa, ngõ hầu giúp chúng ta có được sự bình an. Cành nho muốn sai trái phải chịu tỉa bớt những cành lá um tùm không cần thiết. Cũng thế, chúng ta phải để Chúa cắt tỉa để cuộc đời ta có thể sinh hoa kết trái. Phải cắt tỉa ý riêng để chuyên tâm tìm ý Chúa. Phải cắt tỉa những hình thức bề ngoài không cần thiết để chìm vào nội tâm sâu lắng. Phải cắt tỉa những khao khát quyền lực để mặc lấy tâm tình đơn sơ khiêm tốn. Việc cắt tỉa làm cũng gây đau đớn nhưng làm cho chúng ta được lớn lên. Chính Chúa Giêsu cũng chịu bị cắt tỉa khi Ngài phải chiến đấu với ý riêng để đón nhận ý Chúa Cha, nhận lấy cái chết tụi nhục. Chính vì thế, Người đã trổ sinh hoa trái dồi dào nuôi sống tất cả chúng ta. Người đã trở nên gốc nho sung mãn sự sống để chuyển thông cho chúng ta.

Anh chị em thân mến! Còn giữa chúng ta với nhau, tức là giữa các cành nho thì sao? Cành nho không chỉ cần phải gắn với thân nho mà còn cần phải liên kết với các cành nho khác. Chúng ta cần cộng tác với nhau, cần nâng đỡ nhau. Nhựa sống trong thân cây nho hằng lưu chuyển, không cành nào được giữ riêng lại cho mình mà ngăn cản nhựa sống truyền sang cho những cành khác. Chúng ta tiếp nhận được sự sống của Chúa, chúng ta phải chuyển thông cho nhau để tất cả chúng ta cùng sống và được triển nở. Thế nhưng, trong cuộc sống rất có thể chúng ta sống mà không quan tâm đến mối tương quan giữa mình với tha nhân. Chúng ta không muốn sống “mình vì mọi người”, mà chỉ muốn “mọi người vì mình”. Chúng ta lấy “cái tôi” của mình làm thước đo, làm chuẩn mực để cân đo, đánh giá và phê bình người khác. Xin cho hình ảnh sự liên kết giữa cành nho với thân nho và giữa các cành nho với nhau là lời nhắc nhở cho mỗi người chúng ta luôn biết sống mở ra để đón nhận tha nhân, luôn biết ra khỏi cái tôi để hướng về cái chúng ta. Amen.