Lễ Chúa Thăng Thiên – Năm B

Share on facebook
Bài giảng Lễ Chúa Thăng Thiên. Tin Mừng: Mc 16:15-20 - Chúa Nhật ngày 16/5/2021.

Kính thưa anh chị em!

Chinh phục các vì sao là một mơ ước cháy bỏng rất xa xưa của con người bởi lẽ người ta vẫn cho rằng nơi cái không gian huyền bí ấy Thiên Chúa đang hiện diện. Từ thời cổ, người ta đã quan sát các vì sao với mong ước giải mã ý nghĩa của chúng. Trong Kinh thánh chúng ta gặp thấy câu chuyện các nhà chiêm tinh nghiên cứu sự xuất hiện của ngôi sao lạ để tìm gặp Đấng Messia mới sinh ra. Khoa học càng phát triển, cùng với sự xuất hiện của Kính Thiên Văn, máy bay, vệ tinh, tàu du hành vũ trụ… con người càng có cơ hội tiến tới gần và “chạm” đến các vì sao.

Ngày 12 tháng 4 năm 1961, Yuri Gagarin, nhà du hành vũ trụ người Nga, 27 tuổi, trở thành người đầu tiên thực hiện chuyến bay của con người vào vũ trụ. Bộ máy tuyền truyền của chế độ Liên Xô rầm rộ biểu dương chiến thắng lịch sử này đồng thời trích dẫn một tuyên bố rất ngạo mạn của Gagarin rằng: “Tôi chẳng thấy ở trên này có Chúa nào cả.” Thực ra tuyên bố ngạo mạn này không phải của Gagarin, một tín hữu theo đạo Chính Thống giáo, mà của Khrushchev, tổng bí thư Liên Xô, trong bài phát biểu trước Hội nghị đoàn Thanh niên Liên Xô nhằm phát động chiến dịch trấn áp tôn giáo: “Yuri Gagarin đã bay lên vũ trụ, và chẳng thấy có Chúa nào cả”.

Vâng! Thưa anh chị em. Câu nói trên có phần đúng, người Công Giáo chúng ta không cần thiết phải đi tìm Thiên Chúa, Đấng Thiêng liêng vô hình, trong một không gian vật lý như vũ trụ. Không ít người bị cái nhìn vật chất chi phối nên khi nói “Chúa Giêsu lên trời” người ta nhanh chóng liên tưởng ngay đến hình ảnh Ngài từ từ bốc mình lên khỏi mặt đất kiểu như trong phim võ hiệp, bay vào một nơi nào đó trên trời cao và ngự ở đó. Thế nên, có kẻ cứ lầm tưởng thiên đàng là một chốn nào đó trong không gian, trong vũ trụ này. Tuy nhiên, có người thắc mắc: tại sao chúng ta lại nói: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”?

Trời ở đây không phải là trời cao xanh mà chúng ta nhìn thấy, vì các nhà khoa học đã dùng kính viễn vọng tối tân để nhìn mà chẳng thấy Chúa ở đâu cả. Trời ở đây không phải là một cõi vật chất nào đó trong không gian bởi lẽ nếu là vật chất thì “trời” ấy cũng sẽ có lúc phải suy tàn như bao vật chất khác. “Lên thiên đàng” không phải là bay lên trời xanh kia, mà là bước ra khỏi thế giới hữu hình vật chất để di vào mối liên hệ vô hình, không bị chi phối bởi không gian, thời gian hay giác quan. Thế nên khi nói “Chúa Giêu lên trời” có nghĩa là Ngài đi trở về với mối liên hệ vô hình trong tình yêu tinh tuyền và trọn vẹn của Thiên Chúa. “Chúa Giêsu lên trời” nghĩa là ngài được Thiên Chúa Cha tôn vinh và rước vào trong thế giới thần linh vĩnh cửu.

Là những thụ tạo hữu hình sống trên trần đời này, khi bày tỏ tình yêu, con người thường phải dùng đến những sự vật hữu hình để diễn tả và cảm nhận. Không ai thấy tình yêu có hình dáng ra sao nhưng tình yêu ấy sẽ được diễn tả và cảm nhận qua một bông hoa, qua ánh mắt, nụ hôn, một cái ôm… và biết bao diễn tả thân tình khác. Nói yêu nhau mà không có hành động diễn tả thì chẳng ai có thể cảm nhận được. Ấy là vì con người bị giới hạn trong thế giới vật chất hữu hình, khả giác. Thế nên, khi Thiên Chúa đến bày tỏ tình yêu của Ngài với nhân loại, Ngài cũng phải diễn tả qua những gì người ta thấy, sờ, nghe và cảm nhận được. Cao điểm của lời tỏ tình ấy là việc Thiên Chúa nhập thể làm người để trở thành “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” – Đấng từ thế giới Thiên Chúa bước xuống thế giới con người.

Sau khi hoàn tất công trình cứu độ, Ngài trở về với Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa Cha rước Con về, đưa Con lên, tôn vinh Con trong thế giới thần linh vĩnh cửu. Người Con này không những có thần tính, mà còn có nhân tính. Ngài là Con Người đầu tiên đi vào thế giới của Thiên Chúa, với thân xác phục sinh được hoàn toàn biến đổi. Chúa Giêsu được rước về trời, ngự bên hữu Thiên Chúa. Ngài mở cửa trời cho cả nhân loại bước vào. Qua việc “lên trời”, Chúa Giêsu đã khẳng định rằng con người không bị thế giới vật chất hữu hình chi phối mãi. Sẽ đến một ngày người ta thoát khỏi thế giới đó, chấm dứt những liên hệ trong không gian và thời gian để đi vào mối liên hệ tinh tuyền của tình yêu. Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể trở thành “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, chịu chết, phục sinh và lên trời để cho chúng ta niềm hy vọng “được ở cùng Thiên Chúa.

Hiểu được ý nghĩa của biến cố Chúa lên trời, chúng ta hãy tiếp tục “mơ ước chinh phục các vì sao” bằng cách sống trong cuộc đời này nhưng phải hướng về quê trời vĩnh cửu. Sự hướng mình lên cao này giúp cho mỗi người chúng ta thắng được sức hút của đất. Hấp dẫn của đất, của thế gian làm ta quên rằng trời mới là chỗ dừng chân, là quê hương đích thực. Sự hấp dẫn của đất làm ta chỉ biết vùi mình vào việc tìm kiếm những giá trị thế gian cho cái tôi so đo, ích kỷ và hẹp hòi mà đóng chặt cánh cửa trái tim với tha nhân, đặc biệt là những anh chị em gặp đau khổ và bất hạnh. Những đau thương khốn khó của cuộc đời này dễ làm ta đánh mất niềm tin và niềm hy vọng. Đất, thế gian thì gần, thì ở ngay trước mặt, còn trời, thiên đàng thì lại xa xôi. Làm sao ta sống để người khác nhận ra trời ở ngay trong đất, thiên đàng ở giữa thế gian? Cuộc đời và sứ mạng của Chúa Ki tô cho chúng ta câu trả lời. Chính tình yêu chân lý, yêu sự sống, yêu những giá trị thiêng liêng, có khả năng nâng chúng ta lên cao hơn trong tình Chúa và tình người.